Sự cân bằng axit – kiềm trong cơ thể đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì một cơ thể khỏe mạnh. Cơ thể nhiễm axit trong một thời gian dài sẽ làm thay đổi môi trường máu, các mô và tế bào, và làm giảm nồng độ oxy trong máu. Đây chính là sự khởi đầu của ung thư. Do đó, kiềm hóa cơ thể là một giải pháp quan trọng trong phòng chống ung thư.
Cơ sở khoa học của việc kiềm hóa cơ thể
Sự cần thiết kiềm hóa cơ thể dựa trên khám phá của nhà sinh học nổi tiếng người Đức Otto Heinrich Warburg (8/10/1883 – 1/8/1970), người đoạt giải Nobel Sinh lý học và Y khoa năm 1931. Ông đã phát hiện ra nguyên nhân gốc rễ của ung thư là do sự thiếu hụt oxy trong tế bào, từ đó tạo ra tính axit trong cơ thể.
Để cơ thể khỏe mạnh và hạn chế tối đa khả năng phát sinh bệnh tật thì môi trường axit-kiềm trong máu, mô, tế bào phải luôn ở trạng thái cân bằng, có độ pH ở mức kiềm nhẹ với thang điểm lý tưởng là pH=7,365. Khi độ pH<7,365, sẽ xảy ra tình trạng cơ thể nhiễm axit. Môi trường cơ thể nhiễm axit sẽ lại gây ra tình trạng thiếu oxy.
Ông cũng chỉ rõ: “Tất cả các hình thức của bệnh ung thư được đặc trưng bởi hai điều kiện cơ bản: nhiễm axit và giảm oxy (thiếu oxy). Thiếu oxy và axit là hai mặt của một đồng xu: khi mà bạn có mặt này thì tất yếu bạn sẽ có mặt bên kia”.
Khám phá của Warburg cho thấy rằng các tế bào ung thư sống và phát triển mạnh trong môi trường độ pH thấp (axit), ở thang điểm <6,0 do hai nguyên nhân chính là cơ thể sản xuất axit lactic và tăng CO2. Tình trạng này lại có mối quan hệ trực tiếp với nồng độ oxy thấp trong máu. Khi độ pH cao, nghĩa là kiềm hóa cơ thể tốt thì cơ thể ở trạng thái kiềm và đồng nghĩa với việc nồng độ của các phân tử oxy cao; ngược lại, khi pH thấp cơ thể nhiễm axit, nghĩa là nồng độ oxy thấp.
Như vậy, nghiên cứu của ông cho thấy tầm quan trọng của việc kiềm hóa cơ thể, bởi các tế bào và khối u ung thư chỉ sống và phát triển mạnh mẽ trong môi trường axit, nghĩa là có độ pH thấp, thường ở mức pH<6,0. Bởi vậy kiềm hóa cơ thể là một trong số những chiến lược tối quan trọng để ngăn chặn và đẩy lùi ung thư.
Hệ quả của việc không kiềm hóa cơ thể là gì?
Nếu không được kiềm hóa cơ thể, lâu ngày sẽ đưa đến trình trạng cơ thể nhiễm axit và nếu tình trạng này kéo dài sẽ làm thay đổi môi trường máu, các mô và tế bào, gây ra tình trạng giảm nồng độ oxy trong máu và oxy tế bào. Những hiệu ứng do môi trường cơ thể nhiễm axit đem lại bao gồm:
– Các tế bào, mô và cơ quan không nhận đủ lượng oxy nên chúng bị suy giảm chức năng hoặc chết. Thiếu oxy gây tổn thương màng tế bào và ty thể (nhà máy sản xuất năng lượng của tế bào) và khả năng giao tiếp giữa chúng. Để tồn tại, các tế bào, mô sẽ phải lấy năng lượng từ quá trình lên men đường glucose và quá trình này sẽ lại thải ra nhiều axit lactic. Nồng độ cao axit lactic lại tiếp tục làm cho tình trạng cân bằng axit-kiềm bị phá vỡ, trở nên trầm trọng hơn và hệ quả tiếp theo là làm cơ thể nhiễm axit nặng hơn và làm giảm nồng độ oxy trong tế bào và cơ thể.
– Khi cơ thể nhiễm axit, độ pH của máu ở mức <7,365, các hồng cầu có xu hướng kết dính, dòng chảy của máu bị chậm lại, gây tình trạng tù đọng, khó đi vào mao mạch nên nguy cơ các tế bào, mô bị “ngạt” do thiếu oxy. Các hiệu ứng này tạo thành vòng xoáy và hệ quả cuối cùng là phát sinh bệnh.
– Môi trường cơ thể thiếu oxy là “mảnh đất” tốt cho các chất độc và các vi sinh vật có hại phát triển, sinh sôi nảy nở. Chúng sẽ ngăn cản việc hấp thụ và sử dụng hoặc sẽ “chiếm đoạt” oxy và các chất dinh dưỡng như axit amin, vitamin, chất khoáng để sử dụng, làm cho cơ thể thiếu “nguyên liệu” cho quá trình sản xuất các enzyme, hooc-môn và nhiều chất sinh-hóa cần thiết khác để tạo ra năng lượng cho các tế bào, mô, cơ quan và cho hoạt động sửa chữa tế bào lỗi.
– Các hiệu ứng đề cập ở trên tạo thành một vòng xoắn, hiệu ứng này thúc đẩy sự gia tăng của hiệu ứng kia và hệ quả là gây tổn hại tới ADN của các tế bào và enzym hô hấp. Các tế bào có ADN lỗi sẽ phát sinh hàng loạt trong khi khả năng sửa chữa của cơ thể và hệ miễn dịch lại bị suy giảm. Khi đó ung thư và nhiều bệnh nan y khác xuất hiện và phát triển mạnh mẽ.
Lý thuyết của Warburg cho đến nay vẫn gây tranh cãi trong giới y khoa bởi nhiều nhà khoa học cho rằng nguyên nhân sinh ra ung thư không chỉ là sự mất cân bằng axit-kiềm mà còn liên quan đến rất nhiều yếu tố khác như đột biến gen, di truyền v.v. Tuy nhiên cũng không thể phủ nhận rằng một chế độ dinh dưỡng có tính kiềm sẽ mang lại lợi ích cho cơ thể.
Cách thức điều chỉnh độ cân bằng axit-kiềm trong cơ thể
Có một thực tế rằng, hàng ngày 80% những gì chúng ta đưa vào cơ thể đều có tính tạo axit. Điều này dẫn đến việc hệ thống đệm phải hoạt động liên tục. Nếu kéo dài trong nhiều năm sẽ dẫn đến khả năng xử lý của hệ thống đệm kém đi, lúc đó sẽ phát sinh ung thư và nhiều bệnh khác. Bởi vậy, việc kiềm hóa cơ thể cần thực hiện hàng ngày.
Những cách thức để điều chỉnh sự cân bằng axit-kiềm trong cơ thể:
- Chế độ ăn tăng cường các loại trái cây và rau quả (đặc biệt là các loại có màu xanh đậm) giúp cải thiện tỉ lệ K+/Na+, những yếu tố quan trọng giúp điều hòa điện giải và cân bằng môi trường trong cơ thể.
- Hạn chế các loại thực phẩm giàu tính axit như tinh bột, đường hoá học, đường tinh luyện, thịt đỏ.
- Uống nhiều nước mỗi ngày. Nước tham gia trong mọi quá trình trao đổi chất, ion, cũng như hoạt động sinh lý, tâm lý của cơ thể. Nước giúp cân bằng nội môi và giải độc cơ thể. Tránh xa các loại nước ngọt vì chúng tạo môi trường axít và gây ra hàng loạt bệnh tật.
- Ngủ đủ giấc. Khi ngủ, do thở sâu hơn thức nên axít dư thừa sẽ được thải trừ ra ngoài cơ thể. Giấc ngủ sâu tạo ra môi trường kiềm.
- Hít thở sâu. Hít thở sâu cũng là một trong những cách giúp kiềm hóa cơ thể, bằng cách đẩy những độc tố trong cơ thể ra ngoài bằng hơi thở.
Để phòng chống ung thư hình thành và phát triển thì kiềm hóa cơ thể là một giải pháp cần thiết, đòi hỏi phải được thực hiện hàng ngày, liên tục và song hành với các giải pháp khác. Khi kiềm hóa cơ thể được thực hiện thì các gốc tự do gây hại nhanh chóng bị loại bỏ, môi trường xung quanh tế bào sẽ “quang đãng ” và “thông thoáng” hơn, nhờ vậy mà tế bào sẽ được cung cấp oxy nhiều hơn, và ung thư khó phát triển hơn.
Chúng ta có thể tìm thấy một số thực phẩm có tính kiềm hóa và chất chống oxy hóa cao như: Tảo biển, cỏ lúa mì, bột cacao nguyên chất, hạt diêm mạch, yến mạch, kiều mạch, hạt lúa mì tấm, hạt kỷ tử, táo đỏ, các loại rau củ quả tươi.